1. Sốt đất điên đảo từ Bắc đến Nam

 

Thị trường BĐS năm 2021 liên tục trải qua các cơn sốt đất với nhiều biến động chưa từng có ngay từ những tháng đầu năm tại một loạt các tỉnh thành, bao gồm những địa phương có thông tin quy hoạch lẫn những thị trường mới nổi.

 

 

Tình trạng sốt đất chỉ lắng xuống khi các Bộ, ngành địa phương vào cuộc và còn do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Các cơ quan chức năng đã liên tục có những cánh báo đến người dân về tình trạng giá đất ảo, sốt ảo, bong bóng bất động sản,…

Phần lớn các cơn sốt đất diễn ra trong thời gian ngắn do sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc do chính đặc thù của các cơn sốt đất ăn theo quy hoạch.

 

2. Thành lập thành phố Phú Quốc - Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

 

Ngày 8/1/2021, tại thị trấn An Thới (TP. Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ công bố về Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nằm trên vùng biển Tây Nam Bộ cực Nam Tổ quốc.

Sau khi được thành lập, thành phố Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính là: 2 phường Dương Đông và An Thới và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.

Đây là mốc sự kiện quan trọng, có tính lịch sử không chỉ của riêng người dân Phú Quốc mà còn của người dân cả nước, là cơ sở quan trọng, tạo sức bật mạnh hơn nữa để Phú Quốc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.

 

3. Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Quận: Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức

 

 

Thành phố Thủ Đức ra đời với mục tiêu đến năm 2040 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.

Với nền kinh tế ước tính chiếm ⅓ GDP của toàn TP.HCM, đây là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản trong tương lai. Bên cạnh đó, với quỹ đất còn rất dồi dào và là tâm điểm kết nối các hạ tầng mang tính quốc gia (Metro, các tuyến cao tốc khu đông, liên kết sân bay Long Thành và là trung tâm Tứ giác Kinh tế), thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục là tâm điểm bất động sản ở TP.HCM trong nhiều năm tới.

 

4. Năm khủng hoảng của doanh nghiệp bất động sản, nhà thầu


 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý III, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản chịu nhiều tác động tiêu cực. Với các sàn giao dịch, có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ song không cao. Cũng trong quý III, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc tạm nghỉ việc không lương (Theo Báo cáo quý III của Bộ xây dựng).

 

5. M&A bất động sản diễn ra mạnh mẽ

 

 

Tác động của Covid-19 đã tạo ra cơ hội mới để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mở cuộc săn lùng các dự án và xuất hiện ngày càng nhiều những thương vụ sang nhượng quỹ đất quy mô lớn.

Thay vì trước đây các cuộc M&A diễn ra mạnh ở nhóm các đối tác nước ngoài thâu tóm các khu đất vàng, đất ven biển của VN thì gió đã đổi chiều trong cuộc đua M&A 2021 với sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của nhóm các doanh nghiệp trong nước với hàng loạt vụ thâu tóm bất động sản có giá trị.

Qũy đất ngày càng khan hiếm, thủ tục pháp lý ngày càng siết chặt, các doanh nghiệp bất động sản lớn bắt đầu tập trung gia tăng giá trị sản phẩm thay vì phân lô chào bán đại trà như những năm trước đây.

6. Nở rộ phát hành trái phiếu bất động sản

 

 

Trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nóng lên cũng do nhiều doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn đã chuyển sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất đưa ra rất hấp dẫn, cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng chi trả.

Theo thống kê, chỉ trong 11 tháng của năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng; trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%. Riêng doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 27,7% tổng khối lượng phát hành.

Theo các chuyên gia, việc mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng là cách mà các ngân hàng “lách” quy định siết cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro để bơm vốn cho doanh nghiệp bất động sản.

Trước sự tăng trưởng nóng của trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành, đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

 

7. Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

 

 

Ngày 22/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, một trong những mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.

8. Nhiều thông tin pháp lý thúc đẩy thị trường


 

Trong năm 2021, nhiều chính sách, luật mới có hiệu lực đã góp phần ổn định thị trường BĐS trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực thi hành. Qua đó, nhiều vấn đề liên quan đến quy định miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể. Các ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh cũng được tháo gỡ.

Cũng từ ngày 1/1/2021, Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó có các quy định về điều kiện phân lô bán nền dự án nhà ở được siết chặt.

Từ ngày 1/9, nhiều chính sách liên quan nhà ở có hiệu lực. Thông tư 09/2021/TT-BTNMT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến sổ đỏ.

Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói.

 

9. Nhiều chủ đầu tư tung ra chính sách “nhà đổi nhà, nhà ở 0 đồng”

 

 

Thị trường khó khăn đặt các nhà kinh doanh bất động sản phải thay đổi để thích ứng với thời kỳ mới, dòng tiền đi vào bất động sản suy giảm đặc biệt trong cả 2 năm 2020-2021, lúc này đặt ra bài toàn tài chính phù hợp với nhu cầu của người mua, thay vì khách hàng phải có 30% đối ứng và vay 70% còn lại thì các nhà kinh doanh bất động sản đưa ra thị trường 1 hình thức đầu tư dễ dàng hơn.

Bài toàn tài chính giúp cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận và mua các dự án mới nhưng cũng vô tình đặt vào tình thế phải rất cẩn thận sử dụng đòn bẩy tài chính trong tình trạng dịch bệnh rất phức tạp như hiện nay, tới một lúc nào đó xảy ra tình trạng “Dễ mua – Khó bán” thì rủi ro vẫn sẽ là những người mua cuối cùng.

 

10. Phiên đấu giá BĐS cao kỷ lục tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm của tập đoàn Tân Hoàng Minh

 

 

Ngày 10/12/2021, TP.HCM tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía Bắc, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đáng chú ý số tiền thu được từ phiên đấu giá này là 37.350 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Trong đó, cá biệt lô 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng, tức mỗi m2 chạm ngưỡng 2,4 tỷ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá đất cao nhất thị trường tại TP HCM hiện nay, đồng thời là kỷ lục giá đất Việt Nam gây chấn động thị trường. Mức giá này thậm chí cao hơn các trung tâm tài chính đắt đỏ nhất trên thế giới như Tokyo, HongKong, Singapore hay New York.

Không ít ý kiến cho rằng, cơn “địa chấn” đấu giá đất Thủ Thiêm kỷ lục sẽ tác động lan tỏa về giá đối với hầu hết các loại sản phẩm BĐS khác xung quanh khu vực Thủ Thiêm hoặc thậm chí là ra tới các khu vùng ven TP.HCM trong thời gian tới. Nếu thị trường thiết lập các mặt bằng giá quá cao sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung – cầu và thanh khoản kém.

Tuy nhiên, vào ngày 11/12 vừa qua, tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa ra thông báo tuyên bố bỏ cọc lô đất trên, đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một tin tức gây chấn động giới đầu tư trong và ngoài nước.

Mới đây, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo đúng pháp luật công khai minh bạch; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.